Ngày 26/10/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 6059/BYT-AIDS về triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022.
Theo đó, thực hiện kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12); Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2022. Năm 2022, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”
Sau đây là giải thích chủ đề của Tháng hành động:
(1) Chấm dứt dịch AIDS là như thế nào?
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (Quyết định số 1246/QĐ-TTg) cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu kết thúc dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau:
- Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. (Hiện nay >10.000 ca/năm).
- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân (Hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân).
- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2% (Hiện nay 6%).
(2) Tình hình dịch HIV trong thanh niên
Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,7% năm 2019) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 3,1% năm 2020); Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020). Số MSM chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).
Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 15-24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,6% năm 2021. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này năm 2021 cho thấy, 89,8% lây qua đường tình dục, trong đó lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%.
(3) Kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15-24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.
Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 01 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai...
(4) Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên
Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, năm 2021 Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có những văn bản gửi Bộ Giáo dục – Đào tạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tăng cường phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp.
Các kế hoạch và chương trình hành động đã được xây dựng và triển khai tại một số trường học và các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố có tình hình dịch gia tăng như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng...Tuy nhiên, các hoạt động này đang dừng ở dạng mô hình, thí điểm và có nguồn kinh phí tài trợ, chưa trở thành các hoạt động chủ động thường xuyên, liên tục ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh viên cần có sự góp sức của đoàn thanh niên các cấp trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp với điều kiện của từng đơn vị mình. Thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt qua mạng internet.
Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên: Tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.
Đối với thanh niên là công nhân, người lao động: Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin, truyền thông của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp, tập trung vào một số nội dung: hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV... Tổ chức phân phát ấn phẩm truyền thông, các hội thảo, sự kiện và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân của một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS, đặc biệt ở các khu công nghiệp lớn./.