Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 

Hiệu quả bảo vệ cá tra phòng bệnh gan thận mủ của chủng Bacillus amyloliquefaciens AGWT 13-031

Chủ nhật - 12/05/2024 03:48
Nhu cầu sử dụng các phương pháp phòng ngừa bệnh cho cá tra và thân thiện với môi trường, cụ thể là sử dụng chế phẩm sinh học ngày càng trở nên quan trọng và phổ biến. Đó là một xu hướng tất yếu mang tính bền vững cho người nuôi cá tra nói riêng và ngành thuỷ sản nói chung. Hướng đi này sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong ngành nuôi cá tra, giúp người nuôi giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận thu được.
 
Nhóm nghiên cứu của ThS. Lê Lưu Phương Hạnh, phòng CNSH Thủy sản, Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 được phân lập tại ao nuôi cá tra ở An Giang để đánh giá khả năng bảo hộ cá tra phòng bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra khi bổ sung vào môi trường, trong quá trình ương nuôi cá tra từ giai đoạn bột đến giống.

Trước đó, chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 đã được báo cáo là có hoạt tính đối kháng với vi khuẩn E. ictaluri ở in vitro (Hình 1). Kết quả nghiên cứu cho thấy khi đồng nuôi cấy chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 và chủng E. ictaluri trong môi trường ao nuôi in vitro, chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 có thể kìm hãm hoàn toàn sự phát triển của E. ictaluri trong 10 giờ khi bổ sung ở cùng nồng độ (Hình 2).
 
1
Hình 1. Hình dáng khuẩn lạc trên môi trường thạch Tryptone Soy agar (Α ) và vòng vô khuẩn với E. ictaluri khi thực hiện phương pháp giếng khuếch tán (B) của chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031
 
2

Hình 2. Đồ thị biểu diễn sự biến thiên mật độ của chủng E. ictaluri 5H (A) và Bacillus 031 (B) theo thời gian khi đồng nuôi cấy trong môi trường nước ao (Ghi chú: E5B4 và E5B5: đồng nuôi cấy E. ictaluri 105 CFU/mL và Bacillus 031nồng độ lần lượt 104 CFU/mL và 105 CFU/mL; E5: E. ictaluri 105 CFU/mL; B5: Bacillus 031 105 CFU/mL)

Thử nghiệm trực tiếp chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 trên cá tra 2 tháng tuổi đã chứng minh được hiệu quả bảo vệ cũng như tiềm năng phát triển thành chế phẩm sinh học của chủng vi khuẩn có lợi này. Cá tra được nuôi trong môi trường có bổ sung B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 ở nồng độ 105 CFU/mL trong 72 giờ trước khi cảm nhiễm với vi khuẩn gây bệnh E. ictaluri thì tỷ lệ chết của cá xuống còn 26,74%, với tỷ lệ sống tương đối (RPS) đạt 68,93% (Hình 3). Ngoài ra, khi sử dụng chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 để xử lý dịch vi khuẩn E. ictaluri trong 48 giờ trước khi cảm nhiễm, vi khuẩn E. ictaluri sẽ bị kiểm soát và làm giảm tỷ lệ chết của cá sau cảm nhiễm, RPS đạt 88,52% (Hình 4)
 
3
Hình 3. Đồ thị biểu diễn tỷ lệ chết của cá tra 2 tháng tuổi được xử lý với Bacillus 031 ở các mốc thời gian khác nhau sau khi ngâm cảm nhiễm với E. ictaluri 5H (Ghi chú: 24h-72h: cá nuôi trong môi trường có bổ sung Bacillus 031 trong 24 và 48 giờ trước khi cảm nhiễm; ĐC (+): cá không xử lý với Bacillus 031 trước khi cảm nhiễm; ĐC(-): cá không cảm nhiễm với vi khuẩn gây bệnh)
 
4

Hình 4. Đồ thị biểu diễn tỷ lệ chết của cá tra giống khi cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri 5H đã được xử lý với Bacillus 031 với nồng độ 105 CFU/mL ở các mốc thời gian (Ghi chú: 24h.B5: E. ictaluri 5H được xử lý với Bacillus 031 trong 24 giờ trước khi cảm nhiễm; 48h.B5: E. ictaluri 5H được xử lý với Bacillus 031 trong 48 giờ trước khi cảm nhiễm; ĐC (+): cá cảm nhiễm với E. ictaluri 5H không được xử lý với Bacillus 031; ĐC(-): cá không cảm nhiễm với E. ictaluri 5H)

Trong quá trình ương cá tra từ giai đoạn cá bột đến cá giống, khi bổ sung B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 trực tiếp vào môi trường vào ngày 5 và 10 thì ghi nhận được hiệu quả trong việc cải thiện tăng trưởng và đề kháng bệnh của cá nuôi. Tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá sau 21 ngày nuôi ở lô thử nghiệm đều cao hơn so với đối chứng, sự chênh lệch này không có khác biệt về mặt thống kê (Hình 5).  Tuy nhiên, cá được tiếp tục nuôi và theo dõi sau 2 tháng đã chứng minh rõ hiệu quả bảo vệ của chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 khi cảm nhiễm với tác nhân gây bệnh. Tỷ lệ chết của cá thử nghiệm khi cảm nhiễm với E. ictaluri giảm còn 29,54%, thấp hơn so với đối chứng là 64,44%, RPS đạt 54,14% (Hình 6).
 
5
Hình 5. ​Đồ thị biểu diễn tỷ lệ sống và tăng trưởng (kích thước và khối lượng) của cá tra sau 21 ngày nuôi.
 
6

Hình 6. Đồ thị biểu diễn tỷ lệ chết của cá tra 2 tháng tuổi có bổ sung Bacillus 031 trong quá trình nuôi sau khi cảm nhiễm với E. ictaluri 5H (Ghi chú: B. amy 031: lô cá có bổ sung Bacillus 031 vào ngày 5 và 10 của quy trình nuôi; ĐC: cá không sử dụng Bacillus 031 vào quá trình nuôi.

Những kết quả này là tiền đề để đưa ra quy trình sử dụng chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 ở quy mô đồng ruộng nhằm phòng bệnh gan thận mủ cho cá tra, và chủng B. amyloliquefaciens AGWT 13-031 cũng đã được sử dụng để phát triển thành công chế phẩm sinh học PANGAPRO-HB1 phòng bệnh gan thận mủ cho cá tra.
 
Nguồn: Theo bài báo “Kiểm soát vi khuẩn gây bệnh Edwardsiella ictaluri bằng Bacillus amyloliquefaciens AGWT 13-031, phương pháp phòng bệnh gan thận mủ hiệu quả trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)” đăng trên kỷ yếu hội thảo khoa học “Probiotic ứng dungj trong nuôi trồng thuỷ sản, ĐH Mở Hà Nội”- Tác giả liên hệ: Lê Lưu Phương Hạnh (phuonghanh.le29@gmail.com)
 

Tác giả bài viết: Lê Lưu Phương Hạnh - P. CNSH Thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay17,163
  • Tháng hiện tại27,409
  • Lượt truy cập:23051153
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây