Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

https://www.hcmbiotech.com.vn:443


Những điều cần biết về Oxford/AstraZeneca COVID-19 vaccine

Nhóm các chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (SAGE) đã ban hành những khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng vaccine Oxford/AstraZeneca COVID-19 (AZD1222)...
Nhóm các chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (The WHO Strategic Advisory Group of Experts on Immunization - SAGE)  đã ban hành những khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng vaccine Oxford/AstraZeneca COVID-19 (AZD1222).

Ai cần tiêm chủng vaccine trước tiên?
Khi số lượng vaccine cung cấp còn hạn chế, các nhân viên y tế là những người có nguy cơ phơi nhiễm cao và những người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) là những đối tượng ưu tiên cần được tiêm chủng trước.

Những đối tượng nào khác có thể tiêm chủng vaccine?
Việc tiêm chủng vaccine cũng được khuyến cáo cho những người có bệnh lý nền (bao gồm béo phì, tim mạch, các bệnh lý về hô hấp và tiểu đường) đã được xác định là có nguy cơ bị các biến chứng nặng do COVID-19.
Mặc dù cần có những nghiên cứu đánh giá chi tiết hơn ở các bệnh nhân mắc HIV hay các bệnh tự miễn, bị suy giảm miễn dịch, những trường hợp này cũng được khuyến cáo để tiêm chủng vaccine sau khi được tư vấn y tế phù hợp.
Vaccine có thể được tiêm chủng cho các bệnh nhân đã mắc COVID-19 trước đó. Tuy nhiên, các đối tượng này có thể trì hoãn việc tiêm chủng vaccine tới tối đa 6 tháng tính từ lúc nhiễm SARS-CoV-2 để có đủ vaccine ưu tiên tiêm chủng cho các trường hợp cần thiết hơn.
Vaccine có thể được tiêm chủng cho các phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú. WHO không khuyến cáo việc ngừng cho con bú sau khi tiêm chủng. 

Phụ nữ mang thai có nên tiêm chủng vaccine không?
Mặc dù phụ nữ mang thai được xếp vào nhóm có nguy cơ cao hơn với các tiến triển bệnh COVID-19 nặng, tuy nhiên vẫn còn rất ít dữ liệu cho thấy việc tiêm vaccine là an toàn ở phụ nữ mang thai.
Phụ nữa mang thai có thể tiêm chủng vaccine sau khi xem xét việc tiêm chủng đem lại nhiều lợi ích hơn là những tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra khi tiêm vaccine.
Vì lý do này, những phụ nữ mang thai có nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 cao (như nhân viên y tế) hay những người có bệnh lý nền liên quan tới nguy cơ bị các biến chứng nặng do COVID-19 thì cần tiêm vaccine với sự tư vấn kèm theo của bác sĩ.

Những ai được khuyến cao không nên tiêm chủng vaccine?
Những người có tiền sử có đáp ứng dị ứng mạnh với bất kỳ thành phần nào của vaccine thì không nên tiêm vaccine.
Người trẻ dưới 18 tuổi không được khuyến cáo tiêm chủng vaccine, tuy nhiên cần có thêm các nghiên cứu để đánh giá.

Liều tiêm chủng vaccine được khuyến cáo như thế nào?
Liều vaccine được khuyến cáo là 02 liều, giãn cách từ liều tiêm thứ 2 với liều tiêm đầu tiên là 8-12 tuần, tiêm bắp (0.5 mL/lần).
Cần có đánh giá thêm về thời gian bảo vệ hiệu quả lâu dài của vaccine sau lần tiêm đầu tiên.

Việc tiêm chủng vaccine có an toàn không?
Mặc dù vaccine được WHO khuyến cáo trong trường hợp sử dụng khẩn cấp, việc tiêm chủng vaccine đã và đang được giám sát bởi Trung tâm Y khoa châu Âu (European Medicines Agency – EMA) và đáp ứng các chỉ tiêu của WHO để nhóm các chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (SAGE) xem xét đánh giá.
EMA đã đánh giá kỹ lưỡng dữ liệu về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine và đã kiến nghị cấp phép lưu hành có điều kiện cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Uỷ ban cố vấn toàn cầu về an toàn vaccine, gồm một nhóm các chuyên gia cung cấp hướng dẫn độc lập và có thẩm quyền cho WHO về việc sử dụng vaccine an toàn, tiếp tục thực hiện tiếp nhận và đánh giá báo cáo về các sự cố liên quan tới tính an toàn của việc tiêm chủng vaccine trên toàn cầu.

Hiệu quả của vaccine như thế nào?
Vaccine AZD1222 phòng COVID-19 có hiệu quả bảo vệ chống lại sự nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng là 63.09%.
Giãn cách liều tiêm dài hơn trong khoảng 8-12 tuần có liên quan tới hiệu quả của vaccine cao hơn.

Vaccine có hiệu quả với các biến thể mới của virus không?
Nhóm các chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (SAGE) đã xem xét các dữ liệu hiện có về hiệu quả của vaccine đối với các biến thể virus mới. SAGE mới đây đã kiến nghị sử dụng vaccine AZD1222 theo hướng dẫn lộ trình ưu tiên của WHO (WHO Prioritization Roadmap) ngay cả khi các biến thể mới của virus có lưu hành ở một quốc gia. Các quốc gia nên cân nhắc đánh giá rủi ro và lợi ích của việc tiêm chủng vaccine đến tình hình dịch tễ hiện tại.
Những phát hiện sơ bộ nêu bật nhu cầu cấp thiết về một cách tiếp cận phối hợp để giám sát và đánh giá các biến thể và tác động tiềm tàng của chúng đối với hiệu quả của vaccine. Khi có dữ liệu mới, WHO sẽ cập nhật các khuyến cáo cho phù hợp.

Việc tiêm chủng vaccine có ngăn ngừa sự lây nhiễm và lan truyền virus không?
Không có dữ liệu đáng kể nào liên quan đến tác động của vaccine AZD1222 đối với sự lây truyền hoặc phát tán virus.
 
Đồng thời, chúng ta vẫn phải duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng có tác dụng như: đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay, vệ sinh hô hấp, tránh tụ tập đông người và đảm bảo thông gió tốt.

Nguồn:https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/the-oxford-astrazeneca-covid-19-vaccine-what-you-need-to-know
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - P. CNSH Y dược

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây