Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

https://www.hcmbiotech.com.vn:443


Khoai tây chuyển gen kháng bệnh mốc sương được trồng khảo nghiệm tại Anh

Tại Anh, vấn đề về cây trồng biến đổi gen và việc cho phép thương mại hóa các giống cây này đã gây ra tranh cãi trong nhiều năm. Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (NAS) đã xem xét và đánh giá hơn 900 công trình nghiên cứu trong 20 năm kể từ khi cây trồng chuyển gen đầu tiên xuất hiện tại nước này
         Tại Anh, vấn đề về cây trồng biến đổi gen và việc cho phép thương mại hóa các giống cây này đã gây ra tranh cãi trong nhiều năm. Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (NAS) đã xem xét và đánh giá hơn 900 công trình nghiên cứu trong 20 năm kể từ khi cây trồng chuyển gen đầu tiên xuất hiện tại nước này, và đã đưa ra kết luận rằng cây trồng chuyển gen an toàn cho sử dụng làm thực phẩm. Hiệp hội Hoàng gia Anh cũng đã có báo cáo cho rằng không có chứng cứ nào về các tác hại đến sức khỏe con người từ cây trồng chuyển gen.
        Tuy nhiên, các ý kiến phản bác cho rằng tác động của công nghệ chuyển gen đến sức khỏe con người cũng như môi trường chưa được kiểm tra đúng cách, và lợi ích mà công nghệ này mang lại vẫn chưa được chứng minh đầy đủ.
        Trong tình hình trên, nhóm nghiên cứu tại Norwich, Anh mong muốn được triển khai nghiên cứu thử nghiệm để chứng minh cho lợi ích nông nghiệp mà khoai tây chuyển gen kháng bệnh mốc sương mang lại.
        Chính phủ Anh đã cho phép Phòng thí nghiệm The Sainsbury (TSL) trồng khảo nghiệm giống khoai tây chuyển gen tại Công viên Nghiên cứu Norwich trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019. Đây là một phần của dự án phát triển giống khoai tây Maris Piper có khả năng kháng lại bệnh mốc sương và các tuyến trùng gây hại, ít bị thâm đen và ít sản sinh acrylamide khi được chế biến ở nhiệt độ cao.

1
        Hình 1: Giáo sư Jonathan Jones và Tiến sĩ Marina Pais trong khu nhà kính đang trồng thử nghiệm khoai tây chuyển gen tại TSL (Ảnh: Steve Adams).
        Giáo sư Jonathan Jones, người dẫn đầu dự án cho biết “Hằng năm nông dân bắt buộc phải phun từ 10 đến 20 lần các loại thuốc hóa học ngừa bệnh trên khoai tây; trong đó có bệnh mốc sương, căn bệnh nguy hiểm đã gây ra nạn đói khoai tây khủng khiếp tại Ireland vào giữa thế kỷ XIX. Việc đưa được gen kháng bệnh vào khoai tây có thể loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc hóa học. Chúng tôi đã tìm kiếm nguồn gen kháng bệnh mốc sương từ các nguồn cây hoang dại với mục tiêu đưa 3 gen kháng bệnh khác nhau vào khoai tây.” Bên cạnh đó, giáo sư Jones cũng chỉ ra rằng “công nghệ chuyển gen chỉ là một phương pháp đưa DNA vào tế bào thực vật, việc chúng ta sử dụng công nghệ trên vào mục đích gì mới là vấn đề quan trọng.”
        Khi đề cập đến vấn đề cây trồng chuyển gen chưa đạt được tiềm năng về sản lượng, giáo sư Jones cho rằng: “Khả năng cải thiện năng suất mà các giống chuyển gen mang lại không phải từ hiệu suất của từng cây mà là từ việc có thể thu được nhiều sản lượng với chất lượng cao sau mỗi mùa vụ. Đơn cử như trường hợp của cây đậu nành chuyển gen, hiệu suất của từng cây không có sự khác biệt rõ ràng so với giống thông thường nhưng nông dân sẽ dễ dàng khống chế cỏ dại và thu được sản lượng tương tự hoặc cao hơn khi so với việc phải sử dụng một lượng lớn hóa chất diệt cỏ.”
        Khoai tây chuyển gen kháng bệnh mốc sương sẽ được trồng khảo nghiệm trong khu vực khoảng 1000 m2 tại Trung tâm John Innes thuộc công viên nghiên cứu Norwich, Colney, Anh. Giống chuyển gen sẽ được trồng cách ly các giống khác với khoảng cách ít nhất 20m và sẽ được bảo vệ bởi hàng rào cao 3m để ngăn sự xâm nhập của các loài động vật. Khu khảo nghiệm sẽ được giám sát định kỳ bởi các nhân viên đã qua tập huấn để ngăn ngừa những tác động bất lợi đến môi trường cũng như sức khỏe con người.
        Cuối mỗi đợt khảo nghiệm, tất cả các sản phẩm thu nhận được (bao gồm cả phần thân và củ) sẽ được bảo quản trong hộp kín, sau đó được đưa đến cơ sở xử lý có thẩm quyền. Sau mỗi đợt khảo nghiệm, khu đất trồng sẽ được bỏ hoang để theo dõi quá trình phát triển của các loài cây mọc tự nhiên.
ThS. Lý Nguyễn Phước Điềm
Nguồn: http://www.edp24.co.uk
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây