Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 

Hội thảo khoa học “Công nghệ Sinh học ứng dụng trong chọn tạo giống và nuôi trồng thủy sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam”

Thứ tư - 23/11/2022 11:14
Ngày 22 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở làm việc của mình, Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh (HCMBiotech) đã tổ chức Hội thảo khoa học về công nghệ Sinh học ứng dụng trong chọn tạo giống và nuôi trồng thủy sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Đây là hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động chuyên môn được HCMBiotech tổ chức trong năm 2022 nhằm tạo một diễn đàn học thuật để các nhà khoa học nói chung và các nhà nghiên cứu bệnh học thủy sản nói riêng gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, thảo luận tìm ra hướng đi phù hợp và phục vụ tốt hơn cho thực tiễn sản xuất, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu - ứng dụng trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu là đại diện của các trường, viện nghiên cứu, đơn vị quản lý nhà nước, nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong lĩnh vực giống thủy sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận.
 
01
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại Trung tâm Công nghệ sinh học
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22 tháng 11 năm 2022
 
Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã giới thiệu các nội dung cụ thể như:

- Tổng kết tình hình sản xuất giống thủy sản trong nước nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng từ năm 2020 đến nay; nhận diện những cơ hội và thách thức mà ngành sản xuất giống thủy sản đã, đang và sẽ phải đối mặt; nêu định hướng và trình bày một số giải pháp cụ thể trong phát triển giống thủy sản chất lượng cao giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045 của Thành phố Hồ Chí Minh.

- Giới thiệu một số kết quả nghiên cứu và phân tích các hạn chế khi sử dụng các phương pháp chọn giống như phương pháp chọn giống cổ điển, chọn giống sử dụng chỉ thị phân tử, MAS trên các đối tượng cá tra, tôm sú và cá hồi trong thời gian qua. Đồng thời, giới thiệu các bước thực hiện và điểm nổi bật của phương pháp chọn giống hệ gen, để khẳng định việc ứng dụng phương pháp chọn giống hệ gen trong chọn giống thủy sản hiện nay là hướng đi phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp.

- Cá hồng mi Ấn Độ (Sahyadria denisonii) là loài cá có thân hình và màu sắc nổi bật, nên được xem là một trong những loài cá cảnh thủy sinh bơi theo đàn được rất nhiều người chơi cá cảnh yêu thích. Với mục đích giảm dần sự lệ thuộc vào con giống của loại cá này từ nước ngoài cho thị trường cá cảnh Việt Nam, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu và làm chủ quy trình sinh sản nhân tạo cá hồng mi Ấn Độ. Tuy nhiên, để có thể thương mại hóa đại trà sản phẩm cá hồng mi Ấn Độ có nguồn gốc từ sinh sản nhân tạo, vẫn cần tiến hành các thủ tục đăng ký để phù hợp với quy định của pháp luật.

- Cá thần tiên là loài cá cảnh nước ngọt và cũng là một trong những loài cá cảnh được yêu thích trên thế giới hiện nay. Đứng trước các vấn đề như (i) nguy cơ mất nguồn gen thuần do lai tạo con giống một cách tùy tiện và (ii) khó bắt cặp và khó chủ động sinh sản, nhóm nghiên cứu của HCMBiotech đã bước đầu thành công trong việc bảo quản được tinh trùng trong nitơ lỏng và thụ tinh trong ống nghiệm 4 dòng cá thần tiên (cá thần tiên Zebra, Koi albino, 3 vạch, Koi thường). Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu để tìm ra (i) điều kiện bảo quản tinh tối ưu nhất và (ii) tỷ lệ pha loãng dung dịch Hanks và DMSO để tăng tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm hoặc hoạt lực tinh trùng.

- Con giống được xem là chìa khóa, góp phần quyết định đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản, trong đó có đối tượng tôm sú. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam cần một lượng khá lớn giống tôm sú và con tôm sú bố mẹ. Đáng lo ngại là phần lớn nguồn tôm sú cả con giống lẫn bố mẹ có mặt tại nước ta đều từ nhập khẩu hoặc khai thác tự nhiên, khiến tôm dễ bị mắc các mầm bệnh nguy hiểm và việc sản xuất cũng rất bị động. Trước bài toán giảm sự phụ thuộc vào số lượng và chất lượng tôm sú giống ngoại nhập và khai thác tự nhiên, nhiều đề tài, dự án đã được tiến hành để nghiên cứu, chọn tạo giống tôm sú chất lượng cao. Kết quả là, Việt Nam đã nghiên cứu, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ thành công. Đây được xem là đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành tôm Việt Nam, bởi trong chiến lược phát triển ngành thủy sản cũng như tái cơ cấu nông nghiệp đã xác định, tôm là sản phẩm chiến lược, có nhiều lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng nhu cầu con tôm giống lớn của thị trường, vẫn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm tạo được nguồn tôm sú giống tăng trưởng nhanh, thích nghi và kháng bệnh tốt, có sức chống chịu cao phục vụ vùng nuôi quảng canh.

- Đề tài “Phân tích hệ gen phiên mã của cá rô phi (Oreochromis spp.) sau khi công độc với Tilapia Lake Virus (TiLV)” sau khi kết thúc đã giúp nhóm nghiên cứu của HCMBiotech đạt được một số kết quả nhất định. Một là đã làm chủ được quy trình nuôi cấy virus TiLV trên dòng tế bào E-11. HCMBiotech hiện là một trong những phòng thí nghiệm đầu tiên tại Việt Nam nuôi cấy thành công virus TiLV. Hai là đã giải trình tự thành công 02 bộ gen của virus TiLV Việt Nam (chủng RIA2 hiện diện ở miền Nam và chủng HB196 ở miền Bắc) và đã công bố trong ngân hàng GenBank của NCBI. Ba là đã duy trì được 01 dòng virus TiLV phân lập từ cá rô phi Việt Nam trên tế bào E-11 để phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo về TiLV ở Việt Nam. Bốn là Đã xây dựng được quy trình chẩn đoán TiLV bằng semi-nested RT-PCR và real-time RT-PCR với một số thay đổi về mồi trong phản ứng tổng hợp cDNA. Cuối cùng, nhóm đã phân tích hệ gen phiên mã của cá rô phi đỏ ở 4 cơ quan (gan, thận, lách, ruột) để tìm ra các SNP hay microsatellite có thể có liên quan đến tính kháng TiLV.

- Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 đã đạt những kết quả khả quan khi ứng dụng (i) lý thuyết di truyền số lượng cho chọn giống cá tra nâng cao tăng trưởng và khả năng kháng bệnh gan thận mủ; (ii) di truyền phân tử trong truy xuất phả hệ và xác định chỉ thị liên kết tính trạng. Đơn vị này đang và sẽ tiếp tục tiến hành chọn giống nâng cao tăng trưởng và kháng bệnh ở các thế hệ tiếp theo, theo 2 quần thể khác nhau bằng các áp dụng phương pháp đánh dấu bằng chỉ thị phân tử microsatellite nhằm nâng cao hiệu quả chọn lọc và chọn giống hệ gen (Genomic selection); chọn giống cá tra tăng trưởng nhanh trong điều kiện môi trường lợ mặn; chọn giống theo các tính trạng kháng một số bệnh quan trọng khác như: xuất huyết, trắng thối đuôi; chọn giống cho các tính trạng chất lượng như độ chắc của cơ thịt, hàm lượng dầu omega-3 cao,…

- Việc sử dụng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế tối đa khả năng sử dụng kháng sinh trong việc phòng và trị bệnh thủy sản là khuynh hướng nhằm tránh khả năng tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và con người. Kế thừa kết quả nghiên cứu từ các đề tài được thực hiện trước đây, HCMBiotech đã (i) đánh giá tác động của các chủng B. amyloliquefaciensB. subtilis trên cá tra, (ii) kiểm tra khả năng kiểm soát gây bệnh xuất huyết và gan thận mủ của vi khuẩn E. ictaluriA. hydrophila khi được bổ sung vào trong môi trường nuôi và (iii) thử nghiệm vaccine E. ictaluri và vaccine A. hydrophila nhược độc bất hoạt lần lượt phòng bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết trên cá tra. Kết quả, HCMBiotech đưa ra quy trình kết hợp probiotic và vaccine trong phòng bệnh gan thận mủ và xuất huyết cho cá tra và đạt kết quả khả quan khi thử nghiệm quy trình ở quy mô đồng ruộng.

- Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đã giới thiệu kết quả nghiên cứu tác nhân gây bệnh và tuyển chọn các dòng Bacillus spp. và vi khuẩn acid lactic có khả năng đối kháng vi khuẩn Aeromonas veronii gây bệnh xuất huyết trên lươn (Monopterus albus) ương nuôi thâm canh ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu đã phân lập được 30 dòng Bacillus spp. và 20 dòng vi khuẩn acid lactic từ dạ dày - ruột lươn khỏe nuôi công nghiệp trên bể, và sàng lọc được 6 chủng Bacillus spp. và 20 chủng vi khuẩn acid lactic có khả năng kháng vi khuẩn A. veronii CT07 bằng phương pháp nhỏ giọt. Trong đó, chủng Bacillus B13 và vi khuẩn acid lactic L1 cho kết quả vòng kháng khuẩn lớn nhất. Hơn nữa, qua khảo sát khả năng kháng khuẩn của bacteriocin từ các chủng Bacillus spp. và vi khuẩn acid lactic cho thấy có 1/30 chủng Bacillus spp. kháng A. veronii CT07. Kết quả giải trình tự gen 16s rRNA nhận thấy dòng Bacillus B13 có độ tương đồng 98,66% với B. amyloliquefaciens KKU11, dòng Lactobacillus L1 có độ tương đồng 98,56% với Lactobacillus plantarum RVG4. Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy hai dòng B. amyloliquefaciens B13 và L. plantarum L1 có tiềm năng sử dụng làm chế phẩm sinh học trong việc kiểm soát dịch bệnh trong các mô hình nuôi lươn đồng thâm canh.

- Bệnh chết sớm do Vibrio parahaemolyticus pVPA3-1 gây ra và Hội chứng Đốm trắng do White Spot Syndrome Virus (WSSV) gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành tôm. Nhằm hạn chế việc sử dụng hóa chất và kháng sinh để điều trị và kiểm soát nhiều loại bệnh trong thủy sản, việc sử dụng thảo dược được xem là một sự giải pháp thay thế tiềm năng. Nhóm nghiên cứu của HCMBiotech đã thu thập và chiết cao của 30 loại thảo dược bản địa để đánh giá hoạt tính kháng khuẩn và kháng virus. Kết quả cho thấy có hai loại cao chiết với liều cho ăn 3.000 mg/kg cho kết quả tốt nhất với hiệu quả bảo vệ RPS = 52% đối với V. parahaemoliticus pVPA3-1 và ở liều cho ăn 100 mg/kg cho kết quả tốt nhất với hiệu quả từ 40-50% với WSSV. Các cao chiết này được phối trộn để đưa ra chế phẩm thảo dược an toàn cho tôm và cho hiệu quả phòng bệnh chết sớm và đốm trắng lên tới 40 - 50% khi cho tôm ăn liên tục thức ăn có trộn chế phẩm thảo dược trong vòng 21 ngày ở quy mô phòng thí nghiệm. Hiệu quả thử nghiệm chế phẩm ở ao nuôi cho thấy, tôm được nuôi ở ao có bổ sung chế phẩm vẫn phát triển bình thường, khỏe mạnh và tỷ lệ sống đạt 75% sau 90 ngày nuôi. Điều này cho thấy, tôm có bổ sung thức ăn có trộn chế phẩm cao chiết thảo dược có khả năng phòng được bệnh đốm trắng và giúp tăng khả năng tiêu hóa cho tôm.
 
02
03
04

Hình ảnh một số báo cáo viên trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo.
 
Sau khi nghe các báo cáo tham luận, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến tình hình nuôi trồng thủy sản và công tác chọn tạo giống của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất một số định hướng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó đa số ý kiến cho rằng việc phát triển nuôi biển hiện nay khác trước đây rất nhiều. Trước đây việc sử dụng quỹ đất cho nuôi biển chủ yếu do nghành thủy sản quyết định, theo hướng tăng diện tích để tăng sản lượng nuôi. Hiện nay quỹ đất không chỉ ưu tiên cho ngành nông nghiệp nói chung và nuôi thủy sản nói riêng như trước đây mà còn nhiều lĩnh vực khác như du lịch, công nghiệp,… nên quỹ đất về nuôi trồng thủy sản ngày càng giảm đi. Vì vậy nuôi trồng thủy sản phải theo hướng không tăng diện tích nuôi (thậm chí còn giảm) nhưng áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, theo hướng nuôi thâm canh các đối tượng chủ lực để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng sản lượng gấp nhiều lần so với hiện nay. Trong giai đoạn tới, cần ưu tiên nghiên cứu các giống thủy sản sạch bệnh, các chế phẩm sinh học không gây hại cho con giống cũng như con người, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học cho rằng để đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng, trong thời gian tới, các cơ quan nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản cần đẩy mạnh hơn nữa trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi và chọn tạo giống. Cần chú trọng đến kinh tế tuần hoàn trong đó lưu ý đến chế biến các phụ phẩm của ngành thủy sản để nâng cao giá trị sản xuất và bảo vệ môi trường. Các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đại học cùng các nhà doanh nghiệp, người dân liên kết với nhau tạo thành một chuỗi khép kín trong sản xuất, từ đó mới tạo được ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu và hướng tới một nền sản xuất thủy sản bền vững trong tương lai.
 
05

 Đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm.

 

Tác giả bài viết: Lâm Vỹ Nguyên - P. QLKH-HTQT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay3,780
  • Tháng hiện tại139,310
  • Lượt truy cập:23163054
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây