Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 

Ngành giống cây trồng khổ vì… đất

Thứ bảy - 16/09/2017 07:14

Mỗi năm, Việt Nam phải chi nửa tỉ USD để nhập giống cây trồng các loại, trong khi doanh nghiệp có thể sản xuất thay thế một số loại

Ngày 14-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM đã tổ chức hội thảo Ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để phát triển nông nghiệp TP trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp các tỉnh, thành Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.
 

3

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu tham quan gian hàng giống cây trồng tiêu biểu của TP

Ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng TP HCM có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm giống cây trồng của khu vực. Trên địa bàn TP có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu liên quan đến nông nghiệp, công nghệ sinh học và có nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực giống nông nghiệp. Trong 10 năm trở lại đây, TP đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tiềm lực khoa học công nghệ tại Trung tâm Công nghệ sinh học (quận 12) và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (huyện Củ Chi).

Giai đoạn 2010-2016, các DN tại TP HCM đã cung ứng hơn 81.000 tấn hạt giống các loại, tương ứng với 1 triệu ha đất gieo trồng mỗi năm cho TP và các tỉnh. Tuy nhiên, đi vào thực chất thì phần lớn các DN giống cây trồng của TP chỉ tập trung vào kinh doanh, nhập khẩu giống về đóng gói hoặc sản xuất gia công hạt; ít DN chịu trực tiếp làm công tác nghiên cứu, lai tạo giống mới vì còn gặp nhiều rào cản.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết mỗi năm, Việt Nam chi nửa tỉ USD để nhập khẩu giống các loại, trong đó riêng giống rau nhập khoảng 70 triệu USD. Từ nhiều năm nay, Việt Nam cấp kinh phí cho nghiên cứu cơ bản về di truyền giống quá ít với số tiền ổn định 600 tỉ đồng/năm (50% chi để trả lương). Trong khi đó, các tập đoàn giống lớn trên thế giới chi cho nghiên cứu đến 1,6-1,7 tỉ USD/năm. Vì thế, nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước phải trả tiền bản quyền giống do phụ thuộc vào nguồn giống bố mẹ của Thái Lan, Trung Quốc...

Ông Nguyễn Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội Thương mại giống cây trồng Đông Nam Bộ, nêu thực tế:

TP HCM có hơn 200 DN nghiên cứu - sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu giống cây trồng hoạt động. Thế nhưng, hầu hết DN này đều phải thuê đất ở các tỉnh, thành Đông Nam Bộ và ĐBSCL làm tăng chi phí, thiếu cạnh tranh so với DN nước ngoài cùng ngành.

Ông Tô Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Trung Nông, than phiền trừ các DN có nguồn gốc quốc doanh, sở hữu được diện tích đất đủ lớn để sản xuất hạt giống, còn lại những DN tư nhân đều chung tình trạng có rất ít hoặc không có đất đai để sản xuất. Nguyên nhân là do luật cấm các đơn vị kinh doanh mua bán đất nông nghiệp. DN muốn có đất phải thuê lại của nông hộ nhưng mỗi hộ bị hạn chế chỉ được 2 ha (đất trồng cây) nên phải thuê của nhiều người, khó có đất liền thửa dẫn đến phân tán nguồn lực. Vì thế, công ty mỗi năm sản xuất 20 tấn hạt giống dưa hấu mà phải thuê đất của 20-60 hộ ở nhiều địa bàn nên tốn nhiều chi phí và nguồn lực để quản lý.

Rất nhiều DN sản xuất giống cây trồng có nguyện vọng thuê đất dài hạn 20-50 năm ở TP HCM để tổ chức nghiên cứu, sản xuất lâu dài và ổn định nhưng chính sách quá nhiêu khê làm nản lòng nhà đầu tư. Sở NN-PTNT TP HCM đã họp với các DN nhiều lần để đăng ký và lập dự án nhu cầu sử dụng đất. Sau nỗ lực của hai phía, sở đã trình Thường trực UBND TP HCM nhiều lần nhưng dự án vẫn còn trên giấy, chưa biết khi nào được giao đất.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ngành giống rất quan trọng khi Việt Nam phải bảo đảm nhu cầu của gần 100 triệu dân và xuất khẩu nông sản mỗi năm khoảng 30 tỉ USD. Trước đây, tập quán ông bà ta là giữ giống để sản xuất nên "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" còn ngày nay, giống phải được đưa lên vị trí hàng đầu. Do đó, TP cần xác định lại mô hình sản xuất - nông hộ, HTX hay DN đâu là chủ lực. Với ngành giống cây trồng, DN phải là chủ lực, nếu có chuyển giao thì đến HTX, khó đến nông hộ vì quy trình sản xuất giống ngặt nghèo, khó giám sát.

"TP HCM có 55% diện tích đất làm nông nghiệp mà DN thiếu đất, đăng ký thuê 3 năm chưa được trả lời. Việc này UBND TP nên sớm trả lời cho DN" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhắc nhở.

TS Đỗ Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, đề xuất TP HCM nên quy hoạch khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp để sản xuất giống. Đến nay, 8 DN giống đã xin vào Khu Nông nghiệp Công nghệ cao để sản xuất nhưng cả khu chỉ có 80 ha, chưa đáp ứng được nhu cầu.
 

4

Tác giả bài viết: NGỌC ÁNH

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay4,042
  • Tháng hiện tại139,572
  • Lượt truy cập:23163316
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây