Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 

Định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học tại Thành phố Hồ Chí Minh và vai trò của Trung tâm Công nghệ sinh học

Thứ năm - 13/03/2025 09:07
TS. Nguyễn Hải An
Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM

Thành phố Hồ Chí Minh đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) như một động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững và gia tăng giá trị trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thành phố đã đề ra định hướng phát triển CNSH tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, công nghiệp chế biến, với nhiều mục tiêu và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đang được triển khai.

1. Trong nông nghiệp
Công nghệ sinh học được xem là công cụ chủ lực để xây dựng một nền nông nghiệp năng suất cao, bền vững và mang lại giá trị gia tăng vượt trội. Những vấn đề TP.HCM đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng cho CNSH tập trung vào:
(1) Nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới: Tạo ra các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các giống chủ lực như rau, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm, cá cảnh.
(2) Hoàn thiện quy trình sản xuất và nhân giống bằng CNSH: Ứng dụng nhân giống in vitro, công nghệ gen và tế bào để tạo ra giống sạch bệnh, chất lượng cao với số lượng lớn, hướng đến mục tiêu TP.HCM trở thành trung tâm giống của khu vực.
(3) Phát triển các giải pháp sinh học: Nghiên cứu và ứng dụng phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học cải tạo đất, giảm sự phụ thuộc vào hóa chất.
(4) Thúc đẩy nông nghiệp đô thị ứng dụng CNSH: Nghiên cứu giống cây phù hợp và mô hình canh tác hiệu quả trong không gian hạn chế như thủy canh, khí canh tích hợp IoT.
(5) Khai thác giá trị dược lý từ cây trồng bản địa: Xây dựng quy trình chiết xuất, tinh chế và ứng dụng CNSH để tăng cường sinh tổng hợp các hợp chất có hoạt tính sinh học.
(6) Bảo tồn và phát triển quỹ gen động, thực vật khu vực Nam bộ, xây dựng ngân hàng và bộ sưu tập nguồn gen.
(7) Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Nghiên cứu giống kháng bệnh, ứng dụng chế phẩm sinh học và tác nhân phòng trừ sinh học.
(8) Ứng dụng CNSH trong chăn nuôi và thủy sản: Xác định các gen quan trọng, ứng dụng công nghệ gen trong chọn giống, nhập tinh cao sản và nghiên cứu nhân giống thủy sản đặc thù, cá cảnh.
(9) Nghiên cứu phát triển bao bì sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp có khả năng kháng khuẩn cho thực phẩm.

2. Trong lĩnh vực y tế
CNSH đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh. Các công nghệ được TP.HCM ưu tiên phát triển gồm:
(1) Phát triển liệu pháp tế bào gốc để điều trị tổn thương sụn khớp.
(2) Ứng dụng công nghệ tế bào CAR-T trong điều trị ung thư máu.
(3) Phát triển scaffold sinh học từ vật liệu tự nhiên để tái tạo mô và cơ quan.
(4) Nghiên cứu hệ thống phân phối thuốc thông minh như hệ thống nano nhạy cảm pH cho điều trị ung thư.
(5) Phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược liệu thông qua tăng cường sinh tổng hợp các hợp chất có giá trị dược lý.
(6) Nghiên cứu và sản xuất bộ sinh phẩm (kít) chẩn đoán bệnh, quản lý dịch bệnh, kiểm soát chất cấm và kiểm định chất lượng giống, thực phẩm.
(7) Phát triển vắc xin và thuốc thú y sinh học hiệu quả kinh tế cao.

3. Trong bảo vệ môi trường
CNSH giúp cải thiện nguồn cung và sự khai thác bền vững trên khía cạnh môi trường về thực phẩm, nguyên liệu, cải thiện chất lượng nước, cung cấp năng lượng tái tạo, cải thiện sức khỏe con người, động vật và giúp duy trì sự đa dạng sinh học. Định hướng phát triển, ứng dụng được tập trung vào:
(1) Phát triển các giải pháp sinh học phục vụ nông nghiệp bền vững, bao gồm chế phẩm sinh học cải tạo đất và giảm ô nhiễm.
(2) Ứng dụng CNSH trong xử lý chất thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, giảm ô nhiễm và phát thải khí nhà kính, phát triển chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm.
(3) Phát triển bao bì sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp để giảm rác thải nhựa.
(4) Phát triển cảm biến sinh học nano để theo dõi độ ẩm, dinh dưỡng đất và cảnh báo ô nhiễm.
(5) Ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các biện pháp công nghệ và quản lý giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, khuyến khích chuyển giao công nghệ xanh.

4. Trong công nghiệp sinh học
Triển khai các nghiên cứu phát triển CNSH phục vụ phát triển công nghiệp sinh học theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, trong đó tập trung vào:
(1) Sản xuất quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học cho nông nghiệp như phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
(2) Sản xuất thực phẩm chức năng từ các hợp chất có hoạt tính sinh học.
(3) Phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp, tạo thị trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất nông sản quy mô công nghiệp.
(4) Ứng dụng CNSH trong bảo quản và chế biến nông sản, sử dụng phế phụ phẩm để tạo sản phẩm giá trị cao, hướng tới kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

5. Trong công nghiệp thực phẩm
CNSH đóng góp vào việc nâng cao chất lượng, an toàn và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Các công nghệ được ưu tiên phát triển gồm:
(1) Sản xuất thực phẩm chức năng từ các hợp chất có hoạt tính sinh học.
(2) Phát triển bao bì sinh học cho thực phẩm có khả năng kháng khuẩn.
(3) Ứng dụng chế phẩm sinh học trong bảo quản thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hữu cơ.
(4) Đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua phát triển bộ sinh phẩm kiểm định, tăng cường kiểm soát chất lượng và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực trên, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều kế hoạch và chương trình, trong đó tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức và thông tin tuyên truyền về vai trò và tầm quan trọng của CNSH.
Hai là, hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực CNSH; khuyến khích chuyển giao công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng ở quy mô công nghiệp.
Ba là, tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng.
Bốn là, xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để trao đổi kiến thức, công nghệ và thu hút đầu tư.

Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy và dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao CNSH. Trung tâm có sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thành phố thông qua việc nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả CNSH.
Các nhiệm vụ của Trung tâm:
(1) Nghiên cứu và phát triển: Thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực CNSH ưu tiên của thành phố.
(2) Chuyển giao công nghệ: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận, ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu CNSH.
(3) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực CNSH.
(4) Hợp tác: Thiết lập và tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước để trao đổi kiến thức, công nghệ và thu hút đầu tư.
(5) Tư vấn và hỗ trợ chính sách: Tham gia xây dựng và đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển và ứng dụng CNSH trên địa bàn thành phố.
(6) Xây dựng cơ sở vật chất: Đầu tư và quản lý các phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng CNSH.

Với những định hướng và nhiều giải pháp đồng bộ, TP.HCM kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thành phố./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay175
  • Tháng hiện tại70,178
  • Lượt truy cập:24750745
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
bpd
help bophapdien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây