Các nhà nghiên cứu cho rằng thuốc diệt cỏ gốc glyphosate đã làm biến dạng các bộ phận sinh sản trên cây hồng gai (
Rosa acicularis) sau ít nhất một năm áp dụng trong cả điều kiện thí nghiệm và trên thực địa. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ gốc glyphosate lên hình thái sinh sản của một loại cây lâu năm phổ biến trong hoạt động lâm nghiệp.
Thuốc diệt cỏ thường được sử dụng để kiểm soát các loại cỏ cạnh tranh với cây trồng. Glyphosate là chất diệt cỏ được sử dụng từ những năm 1970, nhưng đã bị giám sát chặt chẽ hơn trong những năm gần đây, do lo ngại về việc gây ung thư trên người.
Hoa hồng gai (Rosa acicularis) (Ảnh: Shutterstock.com)
Các nhà nghiên cứu đã phân tích và so sánh cơ quan sinh sản của cây hồng gai và cây hoang dại được xử lý glyphosate với các cây đối chứng. Kết quả cho thấy khả năng sống sót của phấn hoa ở cây được xử lý glyphosate giảm 66% so với đối chứng sau một năm. Hơn 30% bao phấn không thể tách ra làm cho hoa bất thụ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy dấu vết của glyphosate trên hoa hai năm sau khi thuốc diệt cỏ được phun.
Tiến sĩ Wood, Khoa Quản lý và Khoa học Hệ sinh thái cho biết: “Những thay đổi đối với cây trồng nông nghiệp đã được ghi nhận trong quá khứ, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi tìm thấy chúng trong rừng. Điều đáng chú ý là những hiện tượng này vẫn tiếp tục được tìm thấy trong các bộ phận mới của cây đang phát triển từ một đến hai năm sau khi phun thuốc diệt cỏ.”
Trong nhiều thế kỷ, người dân bản địa đã sử dụng cây hồng gai hoang dại dại để làm thức ăn và làm thuốc, đặc biệt là cây hồng gai cũng là một loài thực vật quan trọng về mặt sinh thái, một phần là do nó cung cấp thức ăn cho các loài thụ phấn. Chẳng hạn như ong mật bị thu hút bởi những màu sắc đặc biệt của hoa. Nhóm tác giả đã quan sát sự thay đổi màu sắc trong cánh hoa và bao phấn của những cây được xử lý. Những bất thường về màu sắc như vậy có thể ảnh hưởng đến sự tương tác giữa hoa và các loài thụ phấn.
Wood cho biết một nghiên cứu tiếp theo sẽ điều tra xem liệu những thay đổi về màu sắc ở những bông hoa được xử lý bằng thuốc diệt cỏ glyphosate có khiến chúng trở nên hấp dẫn ít hay nhiều hơn đối với các loài thụ phấn hay không. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ kiểm tra sự tồn dư glyphosate trong côn trùng thụ phấn, phân chim ruồi và sự thay đổi ở các loài hoa khác. Theo bà: “Điều này sẽ cho chúng ta biết liệu các loài thụ phấn có đang hấp thụ chất tồn dư từ thực vật mà chúng ăn hay không. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu các loài thực vật khác để xem liệu những thay đổi mà chúng tôi quan sát được ở caay hồng gai có được tìm thấy ở các loài hoa khác hay không”.
Wood cũng cho rằng trong khi nghiên cứu trước đây chỉ cho thấy glyphosate không gây hại nghiêm trọng đối với hầu hết các sinh vật ở mức độ được áp dụng thương mại, các tác động mãn tính của việc sử dụng glyphosate hoặc cách nó thay đổi động lực của môi trường tự nhiên - chẳng hạn như sự tương tác giữa các loài hoặc chất lượng thức ăn – vẫn chưa được biết đến nhiều. “Chúng ta càng tìm hiểu nhiều càng tốt, và nghiên cứu luôn có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho việc quản lý tốt hơn. “Các hoạt động diệt cỏ có thể thay đổi, nếu nghiên cứu cho thấy rằng điều này là vì lợi ích tốt nhất của công chúng”.