Theo một bình luận mới từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, Đại học Hoàng gia Luân Đôn ở Anh,Đại học Utrecht và Viện Sức khỏe Cộng đồng và Môi trường Quốc gia ở Hà Lan thì cách mà các cá nhân phản ứng với lời khuyên của chính phủ về việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đóng vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn hành động của chính phủ.
Khi Vương quốc Anh chuyển sang giai đoạn "trì hoãn" trong việc đối phó với nguy cơ xảy ra dịch COVID-19, một bài bình luận mới, được công bố trên tờ The Lancet, xem xét những gì chúng ta biết từ trước đến nay về chủng vi rút mới này. Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi Giáo sư Sir Roy Anderson tại Đại học Hoàng gia và Giáo sư Deirdre Hollingsworth tại Viện Dữ liệu lớn của Đại học Oxford, cũng đề xuất những điều có thể được thực hiện để giảm thiểu sự lây lan và tác động của dịch bệnh này.
Giáo sư Hollingsworth nói: ”Việc hoàn toàn ngăn chặn sự lây nhiễm và tử vong là không thể, vì vậy vấn đề ở đây là về cách giảm thiểu dịch bệnh. Kiến thức và sự hiểu biết của chúng ta về COVID-19 sẽ thay đổi theo thời gian, và cách đối phó cũng như vậy. Thu thập và phân tích những dữ liệu chất lượng cao sẽ là một phần thiết yếu trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Các chiến lược truyền thông của chính phủ để thông tin đến công chúng là hoàn toàn quan trọng.”
Việc phát triển vắc-xin đã được tiến hành, nhưng có khả năng phải mất ít nhất một năm trước khi vắc-xin có thể được sản xuất hàng loạt, trong trường hợp tất cả các pha thử nghiệm đều thành công. Do đó, việc cách ly xã hội là biện pháp quan trọng nhất, với then chốt là hành vi của từng cá nhân. Điều này bao gồm tự cách ly và cách ly sớm, tìm kiếm lời khuyên y tế từ xa và không tham dự các cuộc tụ tập lớn hoặc đến những nơi đông người. Vi rút này dường như ảnh hưởng phần lớn đến người già và những người đang mắc các bệnh lý khác, do đó, việc cách ly xã hội có chủ đích là hiệu quả nhất.
Các hành động của chính phủ là rất quan trọng, bao gồm cấm các sự kiện lớn như trận bóng đá, đóng cửa nơi làm việc, trường học và các tổ chức nơi COVID-19 đã được xác định và chính phủ phải đảm bảo các cơ sở chẩn đoán và tư vấn y tế từ xa tốt, như đường dây nóng qua điện thoại, phải phổ biến và luôn sẵn có. Việc đảm bảo cung cấp chăm sóc sức khỏe cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các biện pháp quy mô lớn có thể sẽ bị hạn chế tác động nếu không có trách nhiệm của từng cá nhân. Tất nhiên, tất cả các biện pháp sẽ có tác động đến nền kinh tế, và một số biện pháp chặt chẽ hơn, như đóng cửa toàn bộ thành phố, như đã xảy ra ở Vũ Hán ở Trung Quốc, có thể sẽ kém hiệu quả hơn đối với các nền dân chủ phương Tây.
Mục đích của các biện pháp cách ly xã hội này là "làm thẳng đường cong" của số ca nhiễm, làm chậm sự lây lan và tránh một đợt bùng phát lớn trong số lượng ca nhiễm mới.
Việc làm thẳng đường cong có thể tránh tình trạng quá tải các dịch vụ y tế, giữ cho tác động đến nền kinh tế ở mức có thể kiểm soát được và thành công kéo dài thời gian để phát triển và sản xuất vắc-xin, phương pháp điều trị cũng như liệu pháp thuốc kháng vi-rút.
Sir Roy nói: ”Chính phủ cần quyết định các mục tiêu chính của việc giảm thiểu - là giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong liên quan đến dịch bệnh, tránh đỉnh dịch bệnh gây quá tải các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giữ cho các tác động đến nền kinh tế ở mức có thể kiểm soát được và làm thẳng đường cong dịch bệnh để chờ phát triển và sản xuất vắc-xin trên quy mô lớn và các liệu pháp thuốc chống vi-rút. Chúng tôi cho rằng chính phủ sẽ không thể đạt được tất cả những điều này - vì vậy họ phải lựa chọn.'
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ sâu rộng đối với dịch vụ y tế và nhân viên chăm sóc sức khỏe trong quá trình dịch bệnh là rất quan trọng trong mọi trường hợp - trong dịch Ebola năm 2014 - 2015, tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân khác như sốt rét và sinh nở tăng nhanh do các dịch vụ y tế quá tải. Số ca tử vong do Ebola gián tiếp gây ra cao hơn số ca tử vong trực tiếp đến từ Ebola.
Khi nhiều thông tin đã được đưa ra trên các phương tiện truyền thông về một số sự kiện "siêu lây nhiễm", trong đó một người nhiễm bệnh đã vô tình truyền bệnh cho nhiều người khác, các tác giả cảnh báo rằng có những sự kiện siêu lây nhiễm trong mỗi dịch bệnh, và chúng ta cần để tâm để những trường hợp này không xảy ra quá nhiều.
Việc kiểm soát sự lây lan của một bệnh truyền nhiễm phụ thuộc vào việc giữ "số sinh sản", R0 (số người bị nhiễm mới bởi một người bị nhiễm trước đó) dưới 1, khi đó mầm bệnh cuối cùng sẽ bị tiêu diệt. Nếu R0 tăng trên 1, tức là mỗi người nhiễm bệnh lây cho hơn một người khác, mầm bệnh sẽ được lây lan. Dữ liệu ban đầu từ Trung Quốc cho thấy R0 cho COVID-19 có thể cao tới 2,5, điều này ngụ ý rằng trong một vụ dịch không rõ nguyên nhân, 60% dân số có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, có rất nhiều ẩn số trong bất kỳ loại vi-rút mới nào, và với COVID-19, hiện tại vẫn chưa rõ người nhiễm bệnh mất bao lâu để lây nhiễm cho người khác, thời gian lây nhiễm, tỷ lệ tử vong và liệu có trường hợp người bị nhiễm vi rút trước khi xuất hiện triệu chứng và thời gian từ khi bệnh nhân bị nhiễm đến khi xuất hiện các triệu chứng. Hiện tại cũng không rõ ràng liệu có trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng nào không.
So sánh với cúm A (cúm mùa thông thường) và SARS, hiện tại có vẻ như dịch COVID-19 sẽ lây lan chậm hơn, nhưng kéo dài lâu hơn, và có tác động đến kinh tế. Cúm mùa thường bị hạn chế khi thời tiết ấm hơn, nhưng vì chúng ta vẫn chưa biết liệu điều này có ảnh hưởng đến COVID-19 hay không, các nhà nghiên cứu cho rằng việc theo dõi sự lây lan của nó ở Nam bán cầu là cần thiết. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục thu thập và phân tích dữ liệu để theo dõi sự lây lan, trong khi các nghiên cứu lâm sàng đang được thực hiện để điều trị bệnh nhân bị bệnh nặng cũng cần thiết.
Một trong những ưu tiên chính của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách sẽ là theo dõi quá trình tiếp xúc, với các mô hình cho thấy 70% số người mà một cá nhân đã tiếp xúc sẽ cần được theo dõi để kiểm soát sự lây lan sớm của bệnh. Các tác giả cho biết các ưu tiên khác bao gồm rút ngắn thời gian từ khi khởi phát triệu chứng chuyển sang cách ly, hỗ trợ điều trị và chẩn đoán tại nhà, và phát triển các chiến lược để giải quyết hậu quả kinh tế của việc tạm dừng công việc.
Tác giả Giáo sư Hans Heesterbeek từ Khoa Khoa học Sức khỏe Dân số tại Đại học Utrecht cho biết: ”Các biện pháp cách ly xã hội gây xáo trộn về mặt xã hội và kinh tế và chúng ta phải cân bằng về mặt thời gian cách ly. Các mô hình cho thấy việc ngưng các biện pháp sau một vài tháng có thể dẫn đến một đỉnh bùng phát mới vào cuối năm nay. Tốt nhất là chúng ta cần nghiên cứu thêm.”
Nguồn:
https://www.sciencedaily.com/releases/2020/03/200306183353.htm