Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Kháng sinh làm tăng tính nhạy cảm của chuột với virus Dengue, West Nile và Zika

Thứ tư - 23/05/2018 11:04
Sự phá hủy hệ vi sinh đường ruột do kháng sinh dẫn đến sự nhiễm nhóm flavivirus trở nên nghiêm trọng hơn.
 
1

West Nile virus. FLICKR, CDC/CYNTHIA GOLDSMITH

Quá rõ ràng rằng thuốc kháng sinh không thể giúp gì khi bị nhiễm virus. Và đến nay thì có lẽ nó còn gây hại, làm sự xâm nhiễm của virus trở nên nghiêm trọng hơn. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Reports vào 27/3, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy khi cho chuột sử dụng kháng sinh và sau đó lây nhiễm chúng với tác nhân gây bệnh thuộc họ flavivirus (bao gồm virus Zika, West Nile và Dengue), thì tình trạng của chúng nghiêm trọng hơn nhiều so với những con chuột không sử dụng thuốc. Nhóm tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng kháng sinh có thể đã làm tổn thương hệ miễn dịch của động vật do thay đổi hệ vi sinh đường ruột.

Michael Diamond, một nhà nghiên cứu miễn dịch học thuộc Đại học Y khoa Washington, St. Louis, người thực hiện nghiên cứu này cho biết: “Triệu chứng lâm sàng của những con chuột có sử dụng kháng sinh so với những con không sử dụng nghiêm trọng hơn. Chúng bệnh nặng hơn và sau đó là chết vì virus viêm não West Nile. Điều này không chỉ đúng cho virus West Nile, mà cũng đúng cho 2 virus cùng họ khác là Zika và Dengue.”

Paulo Verardi, nhà virus học thuộc Đại học Connecticut  - người không tham gia vào nghiên cứu này cho biết: “Ý tưởng về việc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến khả năng hệ miễn dịch chống lại virus là không mới, nhưng điểm thú vị của nghiên cứu này là đưa ra được cơ chế của sự ảnh hưởng. Đó là sự thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến tình trạng và hoạt động của tế bào T, đặc biệt là quần thể tế bào T CD8+.”

Diamond cho biết, ý tưởng cho nghiên cứu này đến từ việc tại sao một số người lại ốm nặng khi bị nhiễm West Nile, trong khi một số khác lại không bị ảnh hưởng gì lớn. Yếu tố di truyền, tuổi tác, tình trạng của hệ thống miễn dịch được biết là có ảnh hưởng đến khả năng gây bệnh của virus West Nile khi xâm nhiễm vào người, nhưng điều đó chỉ giải thích được một vài triệu chứng. Rất nhiều người bị xâm nhiễm không có bất kì hiện tượng gì, trong khi số khác lại ốm nặng và thậm chí tử vong.

Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng chuột được uống kháng sinh có thể chống lại sự xâm nhiễm của một vài virus, và điều này có thể do ảnh hưởng của thuốc lên hệ vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, với những virus khác thì có vẻ nó giúp cho chúng xâm nhiễm dễ dàng hơn. Để kiểm tra ảnh hưởng của việc sử dụng kháng sinh lên sự xâm nhiễm của flavivirus, Diamond và cộng sự đã cho chuột sử dụng vancomycin, neomycin, ampicillin, và metronidazole – một cocktail dạng uống nhằm tiêu diệt microbiota (một quần thể hội sinh gồm vi khuẩn, nấm, sinh vật đơn bào, và virus)- trong 14 ngày trước và sau khi cho virus West Nile xâm nhiễm. Trong khi 80% chuột không sử dụng thuốc có khả năng sống thêm ít nhất 21 ngày sau khi nhiễm virus, chỉ có 1 con trong lô chuột có sử dụng thuốc kháng sinh sống sót được đến thời gian nay. Khả năng sống sót đều giảm giống nhau dù việc dùng thuốc kháng sinh được ngưng 7 hay 3 ngày trước khi gây nhiễm virus, kể cả với virus Dengue hoặc Zika. Chuột được uống ampicillin, hoặc amoxicillin với metronidazole cũng giảm khả năng sống sót, mặc dù không cao bằng khi sử dụng dạng đầy đủ.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng chuột được sử dụng cocktail và không tiếp xúc với virus có ít tế bào sản sinh tế bào miễn dịch trong tủy sống hơn. Và ngay trước khi gây nhiễm, mức độ các tế bào miễn dịch trong một vài loại mô của chuột được sử dụng kháng sinh cũng khác với lô đối chứng. Vì tế bào T CD8+ đã được xác nhận trước đó là có khả năng nhận biết và tiêu diệt những tế bào bị nhiễm virus và có thể loại bỏ virus West Nile khỏi hệ thống thần kinh trung ương. Do đó, để tìm hiểu sâu hơn, tế bào T CD8+ đặc hiệu cho virus West Nile từ cá thể khác được chuyển cho cá thể chuột uống cocktail kháng sinh. Họ nhận thấy rằng tế bào này giúp tăng khả năng sống sót sau khi gây nhiễm West Nile, mặc dù không đạt được mức độ của lô chuột không sử dụng kháng sinh. Điều này cho thấy, có thể hệ thống vi khuẩn đường ruột gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ miễn dịch thông qua tế bào T CD8+. 

Nichole Broderick, đang nghiên cứu về sự tương tác giữa vật chủ - vi khuẩn ở Drosophila, Đại học Connecticut và không nằm trong nhóm nghiên cứu này nói rằng những yếu tố đặc hiệu mô có ảnh hưởng phức tạp tới các yếu tố nhạy cảm với bệnh. Cô cũng cho rằng kháng sinh ảnh hưởng tới quá trình miễn dịch kháng lại virus và có thể không liên quan đến hệ vi sinh đường ruột – và cần một nghiên cứu sâu hơn để khẳng định điều này. Broderick đề nghị thực hiện tiếp thí nghiệm trên chuột không nhiễm vi sinh (germ-free mice) để xác định ảnh hưởng thật sự.

Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học, Đại học Yale, người đã từng cộng tác với Diamond nhưng không tham gia nghiên cứu này cho biết: “Họ nhận thấy một vài cơ quan suy yếu đáp ứng miễn dịch trong khi các cơ quan khác thì không. Điều này làm nêu lên câu hỏi cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm xác định thay đổi trong hệ sinh vật đường ruột như thế nào thì sẽ ảnh hưởng đến những cơ quan liên quan đến hệ miễn dịch, đồng thời, chủng vi khuẩn nào sẽ thật sự gây ảnh hưởng; vì sự hiểu biết đó có thể giúp chúng ta đưa ra các liệu pháp phù hợp, ví dụ như probiotics, để khôi phục lại đáp ứng miễn dịch.”

Nguồn: https://www.the-scientist.com/?articles.view/articleNo/52157/title/Antibiotics-Increase-Mouse-Susceptibility-to-Dengue--West-Nile--and-Zika/

Tác giả bài viết: Tạ Hương Giang - CNSH Y dược

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập128
  • Hôm nay1,321
  • Tháng hiện tại9,575
  • Lượt truy cập:23377616
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây