Trong khi rừng nhiệt đới liên tục bị suy giảm, thì trên thế giới, độ che phủ của cây trên đất nông nghiệp đang tăng lên và giữ lại 750 triệu tấn CO2 hằng năm. Một nghiên cứu mới với tựa đề: “Cây che phủ trên toàn cầu và sinh khối carbon trên đất nông nghiệp: Sự đóng góp của hệ thống nông lâm kết hợp đến trữ lượng carbon ở mỗi quốc gia và toàn cầu” đã mang lại cái nhìn sâu hơn vào các mô hình thay đổi to lớn này ở quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia.
Theo Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), hoạt động sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 24% lượng khí thải nhà kính của thế giới. Biến đổi khí hậu sẽ có những tác động mạnh mẽ đến an ninh lương thực trong dài hạn. Chính vì thế ngành nông nghiệp cần giảm “dấu chân carbon”. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng giảm khí thải nhà kính do cây trồng và vật nuôi rất hạn chế. Những khu rừng lớn (chủ yếu ở rừng nhiệt đới) vẫn bị chuyển đổi qua mục đích nông nghiệp để nuôi dân số thế giới đang không ngừng gia tăng. Vì những lí do trên, các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nhằm giảm đáng kể khí thải nhà kính rất được khuyến khích áp dụng.
Cây trên đất nông nghiệp – hay còn gọi là hệ thống nông lâm kết hợp – có tiềm năng góp phần giảm biến đổi khí hậu đồng thời vẫn cải thiện sinh kế, thu nhập và cung cấp các dịch vụ sinh thái có giá trị. Ngân hàng Thế giới ước tính, trên toàn cầu có khoảng 1,2 tỷ người phụ thuộc vào hệ thống canh tác nông lâm kết hợp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, cây trên đất nông nghiệp không được tính đến trong phép tính toán khí nhà kính của IPCC.
Một nhóm nhà khoa học của nhiều tổ chức khác nhau đến từ châu Phi, châu Á và châu Âu đã tiến hành một nghiên cứu để đánh giá vai trò của cây lâm nghiệp và lượng carbon mà chúng đã hấp thu từ khí quyển trong thập kỷ qua. Nghiên cứu có tựa đề “Cây che phủ trên toàn cầu và sinh khối carbon trên đất nông nghiệp: Sự đóng góp của hệ thống nông lâm kết hợp đến trữ lượng carbon ở mỗi quốc gia và toàn cầu” tập trung vào sinh khối carbon trên đất nông nghiệp cả trên toàn cầu và phạm vi quốc gia, tìm hiểu điều gì quyết định đến phân bố sinh khối carbon trên các vùng khí hậu khác nhau.
Sinh khối trên đất nông nghiệp toàn cầu
Robert Zomer, làm việc tại Trung tâm Nông Lâm Thế giới, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Dữ liệu viễn thám cho thấy trong năm 2010, 43% đất nông nghiệp thế giới có ít nhất 10% có cây che phủ, tăng 8% so với thập kỷ trước. Với điện tích đất đai canh tác nông nghiệp rộng lớn, nông lâm kết hợp có thể đã góp phần đáng kể vào trữ lượng carbon toàn cầu. "
Tuy nhiên, có sự khác biệt rất đáng kể giữa các khu vực. Sự phân bố của cây che phủ trên đất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện khí hậu ở từng khu vực khác nhau trên thế giới: cây phân bố nhiều ở các khu vực ẩm như Đông Nam Á, Trung Mỹ, Đông Nam Mỹ, cũng như các trung tâm và ven biển Tây Phi, ít cây hơn ở phía nam châu Á, vùng bán ẩm châu Phi, miền Trung và Tây Âu, khu vực Amazon và miền trung-tây Bắc Mỹ. Mặt khác, diện tích cây che phủ rất ít ở phía đông Trung Quốc, phía tây bắc Ấn Độ, Tây Á, biên giới phía nam của sa mạc Sahara, các thảo nguyên của Bắc Mỹ và Tây Úc .
Sinh khối trên đất nông nghiệp ở phạm vi từng quốc gia
Có sự khác biệt rất rõ ràng trong thay đổi nguồn dự trữ nguyên liệu carbon theo thời gian giữa các nước: Brazil, Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ có mức tăng lớn nhất, trong khi Argentina, Myanmar, và Sierra Leone giảm dự trữ sinh khối carbon trên đất nông nghiệp nhiều nhất.
26 quốc gia vùng nhiệt đới ẩm, Cộng hòa Dân chủ Congo, Papua New Guinea, Malaysia và Indonesia có khối lượng carbon ở mức trên trung bình. Lượng carbon thấp được nhận thấy ở 60 quốc gia thuộc các vùng khô cằn và sa mạc của thế giới xung quanh sa mạc Sahara ở Bắc Phi, Kalahari thuộc miền nam châu Phi, tương tự, ở Trung và Nam Á cũng có lượng carbon thấp trong hơn mười năm qua.
Jianchu Xu – Trung tâm Nông lâm thế giới cho biết: “Nghiên cứu cho thấy sự tồn tại của cây che phủ đóng vai trò chính đối với trữ lượng carbon trên đất nông nghiệp, có khả năng giúp giảm biến đổi khí hậu và tăng khả năng thích ứng. Nếu tính cả lượng carbon từ cây che phủ thì tổng lượng carbon sẽ cao hơn 4 lần so với việc tính tổng lượng carbon khi chỉ sử dụng phép tính ước lượng IPCC cấp 1 (IPCC tier 1).
"Các kết quả thuộc chương trình phân tích không gian của chúng tôi cho thấy rằng cây trên đất nông nghiệp hấp thu gần 750 triệu tấn CO2 trên toàn cầu mỗi năm trong một thập kỷ qua," Henry Neufeldt, Trưởng nhóm nghiên cứu Biến đổi khí hậu tại Trung tâm Nông Lâm Thế giới cho biết. "Nếu chúng ta có thể khai thác tốt những chính sách để phát triển mô hình có hiệu quả và chặn xu hướng tiêu cực, cây trên đất nông nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khí nhà kính. Nhưng không nên cho rằng chúng ta đang giải quyết được vấn đề khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp vì chúng ta không biết căn nguyên thực sự của những việc đang xảy ra. "
ThS. Đỗ Thị Lịch Sa
Nguồn: https://www.sciencedaily.com