Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Giới thiệu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thứ sáu - 26/05/2023 09:39
Ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 06 chương, 91 điều, gồm các nội dung cơ bản như sau:
- Chương 1: Những quy định chung, gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10). Chương này quy định về những vấn đề chung trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của công dân; quyền thụ hưởng của công dân; các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Chương 2: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, gồm 35 điều (từ Điều 11 đến Điều 45). Chương này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, bao gồm công khai thông tin ở cấp xã; Nhân dân bàn, quyết định; Nhân dân tham gia ý kiến; Nhân dân kiểm tra, giám sát.
- Chương 3: Thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, gồm 18 điều (từ Điều 46 đến Điều 63). Chương này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, bao gồm công khai thông tin trong cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát.
- Chương 4: Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, gồm 19 điều (từ Điều 64 đến Điều 82). Chương này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, bao gồm quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước (Công khai thông tin; người lao động ở doanh nghiệp nhà nước bàn và quyết định; người lao động ở doanh nghiệp nhà nước tham gia ý kiến; người lao động ở doanh nghiệp nhà nước kiểm tra, giám sát) và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.
- Chương 5: Tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm 07 điều (từ Điều 83 đến Điều 89). Chương này quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam các cấp và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội khác trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Chương 6. Điều khoản thi hành gồm 02 điều (từ Điều 90 đến Điều 91). Chương này quy định về hiệu lực thi hành; áp dụng pháp luật và quy định chuyển tiếp.
Sau đây là một số nội dung đáng lưu ý của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022:
1. Về phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Theo Luật này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- "Cơ sở" là xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị); tổ chức có sử dụng lao động.
- "Thực hiện dân chủ ở cơ sở" là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
3. Về phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở
a) Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú.
b) Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định.
c) Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.
4. Những nội dung công khai để Nhân dân biết
Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở theo hướng cập nhật, bổ sung các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành như: Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật liên quan; bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin. Cụ thể, bổ sung quy định lựa chọn hình thức công khai thông tin (Điều 13); trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc công khai thông tin (Điều 14); bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và của cơ quan, đơn vị trong việc công khai thông tin (Điều 48); bổ sung quy định về thời gian công khai (Điều 65); quy định về trách nhiệm của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động trong việc công khai thông tin (Điều 66). 
5. Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định
- Ở cộng đồng dân cư: Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định những nội dung quy định tại Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bằng một trong các hình thức sau: (i) Tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố với thành phần tham dự gồm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, ban công tác Mặt trận Tổ quốc thôn, tổ dân phố, đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố (Điều 18); (ii) Phát phiếu biểu quyết, lấy ý kiến tới từng hộ gia đình (Điều 19); (iii) Trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức toàn thể cử tri trên địa bàn, quyết định về một số nội dung cụ thể thì thực hiện theo quy định đó (Điều 17). Về tỷ lệ đồng thuận để quyết định của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã phân định rõ một số trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư (nhất là các quyết định liên quan đến các khoản đóng góp...) được thông qua khi có 2/3 trở lên hoặc trên 50% tổng số hộ gia đình tán thành để tăng tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hiệu lực thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện trên thực tế (Điều 21). 
- Tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động: Bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Điều 49) và các nội dung người lao động bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (Điều 67). Các nội dung này được bàn và quyết định tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc hội nghị người lao động. Trường hợp không thể tổ chức hội nghị thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, sau khi đã thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị hoặc người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể người lao động trong tổ chức sau khi đã thống nhất với ban đại diện của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở (Điều 68). 
6. Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến
Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức Nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan; đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, tập thể Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong việc tổ chức thực hiện để Nhân dân tham gia ý kiến (Điều 28), trách nhiệm tham gia của Nhân dân (Điều 29); trách nhiệm của người đứng đầu của công đoàn cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 55); việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (Điều 73); trách nhiệm của tổ chức có sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, công đoàn viên, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 74). 
7. Những nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát
Nội dung, hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, người dân kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung mà Nhân dân đã bàn, quyết định và thực hiện giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Điều 30), của người đứng đầu, ban lãnh đạo, người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị (Điều 56) và của tổ chức có sử dụng lao động, người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành và những người có thẩm quyền khác của tổ chức có sử dụng lao động (Điều 75). Công dân có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động… hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (ở xã, phường, thị trấn); thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện (đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân), qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở (các Điều 31, Điều 57, Điều 76). 
8. Những nội dung người dân thụ hưởng
Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, người dân được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thông tin đầy đủ về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định (nếu có) của chính quyền địa phương mà mình được hưởng; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội và sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống; thành quả đổi mới, phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động nơi làm việc; được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng. 
9. Cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thể chế hóa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội “làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban công tác Mặt trận Tổ quốc ở thôn, tổ dân phố, vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt (các Điều 23, Điều 28, Điều 40, Điều 45, Điều 52, Điều 55, Điều 63, Điều 70, Điều 78, Điều 82); bổ sung các quy định về trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 24, Điều 29); quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9) và việc xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 10) nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
a) Việc thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn có một số điểm mới, đó là:
 (i) Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; (ii) Đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội...; (iii) Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; (iv) Quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản của cộng đồng dân cư; thay đổi thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố từ Ủy ban nhân dân cấp huyện sang Ủy ban nhân dân cấp xã; (v) Bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành; (vi) Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát.
b) Việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị có một số điểm mới như:
 (i) Bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; (ii) Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục cán bộ, công chức, viên chức kiểm tra và giám sát; (iii ) Bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
c) Việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp có một số điểm mới như:
(i) Bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp; (ii) Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát; (iii) Bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,...).
d) Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở có một số điểm mới như:
(i) Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; (ii) Quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; (iii) Quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; (iv) Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở; (v) Quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; (vi) Quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nói riêng; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
10. Về hiệu lực thi hành
a) Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
b) Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.

Xem chi tiết Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 tại đây!
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Tuấn - Phòng Hành chính Quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,458
  • Tháng hiện tại9,712
  • Lượt truy cập:23377753
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây