Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 

Giới thiệu Luật Thanh tra năm 2022

Thứ ba - 18/04/2023 22:03
Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thanh tra năm 2022 số 11/2022/QH15 thay thế Luật Thanh tra năm 2010 số 56/2010/QH12, Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023.

Theo đó, Luật Thanh tra năm 2022 gồm có 8 chương và 118 điều, cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ, mục đích, nguyên tắc hoạt động thanh tra, chức năng của cơ quan thanh tra, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra.
- Chương II: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, gồm 29 điều (từ Điều 9 đến Điều 37). Chương này gồm 8 mục: Mục 1 quy định về Thanh tra Chính phủ (từ Điều 10 đến Điều 13); Mục 2 quy định về Thanh tra Bộ (từ Điều 14 đến Điều 17); Mục 3 quy định về Thanh tra Tổng cục, Cục (từ Điều 18 đến Điều 21); Mục 4 quy định về Thanh tra tỉnh (từ Điều 22 đến Điều 25); Mục 5 quy định về Thanh tra sở (từ Điều 26 đến Điều 29); Mục 6 quy định về Thanh tra huyện (từ Điều 30 đến Điều 33); Mục 7 quy định về cơ quan thanh tra ở Cơ quan thuộc Chính phủ (từ Điều 34 đến Điều 35); Mục 8 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (từ Điều 36 đến Điều 37). 
- Chương III: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành: gồm 06 điều (từ Điều 38 đến Điều 43) quy định về Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; tiêu chuẩn bổ nhiệm vào các ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp; miễn nhiệm thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra.
- Chương IV: Hoạt động thanh tra, gồm 58 điều (từ Điều 44 đến Điều 101). Chương này gồm 7 mục, Mục 1 gồm 14 điều (từ điều 44 đến Điều 57) quy định chung về xây dựng, ban hành Định hướng chương trình thanh tra; xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra; hình thức thanh tra; thời hạn thanh tra; gia hạn thời hạn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành; căn cứ ra quyết định thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra; xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; thanh tra lại; hồ sơ thanh tra. Mục 2 quy định về chuẩn bị thanh tra (từ Điều 58 đến Điều 63). Mục 3 quy định về tiến hành thanh tra trực tiếp (từ Điều 64 đến Điều 72). Mục 4 quy đinh về kết thúc cuộc thanh tra (từ Điều 73 đến Điều 79). Mục 5 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành thanh tra (từ Điều 80 đến Điều 91). Mục 6 quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra (từ Điều 92 đến Điều 96). Mục 7 quy định về Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (từ Điều 97 đến Điều 101).  
 - Chương V: Thực hiện Kết luận thanh tra, gồm 05 điều (từ Điều 102 đến Điều 106) quy định về Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc ban hành kết luận thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra.
- Chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, gồm 05 điều (từ Điều 107 đến Điều 111) quy định về trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra; trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và Trưởng kiểm toán khu vực, chuyên ngành; tham khảo ý kiến trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trách nhiệm của cơ quan điều tra.
- Chương VII: Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra, gồm 02 điều (từ Điều 112 đến Điều 113) quy định về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên; đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra.
- Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm 05 điều (từ Điều 114 đến Điều 118) quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ; tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến thanh tra; hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.
Sau đây là một số nội dung đáng lưu ý của Luật Thanh tra năm 2022:
1. Chức năng của cơ quan thanh tra (Điều 5)
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. (Bổ sung thêm chức năng giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân)
2. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (Điều 9)
a) Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm:
- Thanh tra Chính phủ;
- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Thanh tra tỉnh);
- Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Thanh tra huyện);
- Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
b) Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm:
- Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Thanh tra Bộ);
- Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương (gọi chung là Thanh tra Tổng cục, Cục);
- Thanh tra sở.
c) Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.
d) Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.
đ) Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
3. Tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành. (Điều 18)
a) Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
b) Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong các trường hợp sau đây:
- Theo quy định của luật;
- Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.
Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
Như vậy, không phải Tổng cục, cục thuộc bộ nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra mà phải đảm bảo các quy định nêu trên.
4. Thanh tra sở (Điều 26)
UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập thanh tra sở trong các trường hợp sau đây:
a) Theo quy định của luật;
b) Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;
c) Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.
5. Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 34)
Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước;
b) Được luật giao nhiệm vụ thanh tra.
6. Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 không còn điều chỉnh đối với Ban Thanh tra nhân dân. Bởi vì hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, chế định thanh tra nhân dân đã được tách ra khỏi Luật Thanh tra năm 2022 và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022./.

Xem chi tiết Luật Thanh tra năm 2022 tại đây!
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Tuấn - Phòng Hành chính Quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay25,210
  • Tháng hiện tại190,641
  • Lượt truy cập:22741142
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây