Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://www.hcmbiotech.com.vn


Sự đáp ứng chậm trễ của miễn dịch thích ứng với bệnh lao chỉ ra các chiến lược tiêm chủng

Đáp ứng miễn dịch chống lại nhiễm bệnh lao (TB) phát triển chậm hơn ít nhất hai lần so với đáp ứng kích hoạt bởi các bệnh truyền nhiễm khác ảnh hưởng đến phổi...
Đáp ứng miễn dịch chống lại nhiễm bệnh lao (TB) phát triển chậm hơn ít nhất hai lần so với đáp ứng kích hoạt bởi các bệnh truyền nhiễm khác ảnh hưởng đến phổi. Thông qua một nghiên cứu trên động vật linh trưởng, các nhà miễn dịch học của Trường Đại học Y Pittsburgh đã phát hiện ra rằng đáp ứng miễn dịch thích ứng chống lại vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (Mtb) gây bệnh lao trưởng thành theo thời gian. Kết quả cho thấy bộ tế bào lympho T đầu tiên chống lại tác nhân xâm nhiễm không hoạt động hoàn toàn cho tới ba tháng sau nhiễm, bộ thứ hai của tế bào T xuất hiện sau năm tháng nhiễm trùng có thể góp phần loại bỏ vi khuẩn và phục hồi cơ thể.

Sự đáp ứng chậm trễ của miễn dịch thích ứng giải thích một phần lý do tại sao nhiễm trùng lao dễ dàng xâm nhập vào phổi của vật chủ, đồng thời chỉ ra rằng các chiến lược tiêm chủng chống lại bệnh lao nên được điều chỉnh để kích thích đáp ứng từ tế bào T và khởi động ở giai đoạn đầu của nhiễm trùng, giúp nhanh chóng loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.

Tiến sĩ Nicole Grant, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Pitt cho biết: “Công trình của chúng tôi đã nhấn mạnh thời điểm phát triển đáp ứng miễn dịch thích ứng và loại bỏ vi khuẩn trong bệnh lao. Khai thác kiến thức đó để tăng số lượng tế bào T chức năng trong những ngày đầu nhiễm bệnh, khiến chúng đáp ứng và nhanh chóng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn là chìa khóa để tạo ra một liệu pháp có thể dập tắt sự lây nhiễm khi mới khởi phát.” TS. Grant là tác giả chính trong bài báo được đăng trên Tạp chí Cell Reports, với tiêu đề: “Sự biểu hiện của yếu tố phiên mã tế bào T tiến triển theo thời gian trong u hạt từ loài khỉ cynomolgus nhiễm Mycobacterium tuberculosis”, trong đó nhóm nghiên cứu kết luận “Nghiên cứu này nêu bật sự tiến hóa của đáp ứng tế bào T trong u hạt phổi, cho thấy rằng vắc xin thúc đẩy sự phát triển và di chuyển của tế bào T biểu hiện T bet sẽ tăng cường khả năng kiểm soát vi khuẩn lao.”

Mặc dù bệnh lao tương đối không phổ biến ở Hoa Kỳ nhưng vẫn là mối quan tâm lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến người dân ở các nước đang phát triển với tỷ lệ tử vong do bệnh này cao hơn cả số trường hợp tử vong do HIV/AIDS gây ra. Nhóm tác giả cho biết: “Mtb, tác nhân gây bệnh lao, là mối quan tâm sức khỏe toàn cầu, dẫn đến 10 triệu trường hợp mắc lao mới hàng năm”.

Lao là một bệnh hô hấp nghiêm trọng do vi khuẩn lây lan từ từ và mở rộng khi xâm nhập vào phổi qua đường hô hấp, gây sẹo và viêm ở phổi, ho dữ dội và đau ngực. Để ngăn chặn vi khuẩn phát triển, cơ thể phản ứng bằng cách tạo ra các hàng rào tế bào được gọi là u hạt, hình thành cụm tế bào hình cầu có tổ chức từ các tế bào miễn dịch, đây là dấu hiệu nhận biết bệnh lao.
Nhưng như các tác giả đã lưu ý, “Mặc dù đã có nghiên cứu sâu rộng, những đóng góp của miễn dịch trong việc kiểm soát vi khuẩn trong u hạt vẫn chưa được hiểu rõ… Hiểu được quá trình hạn chế và ngăn chặn vi khuẩn trong u hạt lao phổi là rất quan trọng để xác định các mục tiêu mới cho vắc-xin và phương pháp điều trị.”

Hầu hết những người có tình trạng sức khỏe tốt có thể kiểm soát vi khuẩn lao và thường không có triệu chứng và không cần hỗ trợ y tế; tuy nhiên, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như người bị nhiễm HIV/AIDS hoặc COVID-19, có nguy cơ cao phát triển các biến chứng và không thể chống chọi lại với bệnh.

Vắc-xin Bacille Calmette-Guérin (BCG) là loại vắc-xin duy nhất sử dụng rộng rãi để chống lại bệnh lao, được tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng vài giờ đầu sau sinh. Tuy nhiên, vắc-xin có hiệu quả hạn chế và không ngăn ngừa nhiễm trùng ở phổi. Tiến sĩ JoAnne Flynn, tác giả cố vấn, giáo sư về vi sinh vật học và di truyền học phân tử tại Đại học Pittsburgh, lưu ý thêm: “Nhiễm trùng lao phổi có thể bắt đầu với một vi khuẩn duy nhất rồi tiếp tục phân chia thành hàng trăm nghìn vi khuẩn trong thời gian từ 4 đến 6 tuần. Không có nhiều vi khuẩn bị tiêu diệt trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu cho đến 10 tuần sau khi nhiễm bệnh. Trong nghiên cứu này, chúng tôi muốn tìm hiểu những thay đổi theo thời gian trong môi trường miễn dịch của phổi cho phép nó có thể kiểm soát tình trạng nhiễm lao.”

Nghiên cứu trước đây của TS. Flynn đã chỉ ra rằng tiêm vắc-xin BCG vào tĩnh mạch, trái ngược với tiêm dưới da theo truyền thống, bảo vệ gần như hoàn toàn chống lại bệnh nhiễm trùng lao ở khỉ. Nghiên cứu mới được báo cáo trên Tạp chí Cell Reports cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách vắc-xin này có thể hoạt động bằng cách tăng tốc độ đáp ứng của tế bào T trong phổi để chúng có thể nhanh chóng ngăn chặn sự lây nhiễm.

Nhóm nghiên cứu đã xác định vị trí u hạt lao trong phổi của khỉ bằng kỹ thuật hình ảnh hiện đại cho phép họ quét phổi của động vật sống trong thời gian thực và theo dõi sự phát triển của u hạt khi quá trình nhiễm trùng tiến triển. Họ giải thích: “Chúng tôi theo dõi sự hình thành u hạt sau khi nhiễm Mtb thông qua chụp cắt lớp phát xạ positron và chụp cắt lớp vi tính (PET CT) sử dụng 18F-fluorodeoxyglucose (FDG) như một đầu dò PET, kết hợp vào các tế bào chủ có hoạt tính trao đổi chất bên trong u hạt.”

Sử dụng cách tiếp cận này, các nhà nghiên cứu có thể phân lập u hạt ở ba thời điểm khác nhau sau khi nhiễm trùng. “Ở đây, chúng tôi so sánh các u hạt ban đầu, tức là những u phát sinh từ nhiễm trùng ban đầu được xác định bằng PET CT, ở ba thời điểm khác nhau (4, 12 và 20 tuần) sau nhiễm trùng trong NHPs. Các mốc thời gian này lần lượt đại diện cho nhiễm trùng sớm (sớm), bắt đầu kiểm soát nhiễm trùng (giai đoạn trung gian) và nhiễm trùng muộn (giai đoạn muộn)… Chụp PET CT liên tục trong quá trình nhiễm trùng cung cấp lịch sử của các u hạt riêng lẻ bao gồm thời gian phát hiện, vị trí, và những thay đổi về kích thước và ái lực của FDG. ”

Sau khi cắt bỏ cẩn thận các u hạt và định lượng thành phần tế bào của chúng, các nhà nghiên cứu phát hiện những nhân tố quan trọng trong miễn dịch thích ứng, tế bào T CD8+, được kích hoạt ba tháng sau khi nhiễm bệnh, năm tháng sau khi nhiễm trùng, các tế bào T CD4+ cũng tham gia hỗ trợ thêm để giải quyết nhiễm trùng.

Sự xuất hiện của các tế bào T hoạt hóa tỉ lệ nghịch với số lượng vi khuẩn sống chứa u hạt, cho thấy các tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát vi khuẩn. Các tác giả cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy các đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào T biểu hiện T-bet bị trì hoãn trong u hạt, điều này hỗ trợ cho giả thuyết khả năng miễn dịch thích ứng trong u hạt phát triển theo thời gian. Sự phát triển chậm của miễn dịch thích ứng có thể liên quan đến sự lây nhiễm Mtb dễ dàng và phát triển đáng kể của mầm bệnh trong u hạt giai đoạn đầu.”

“Điều này cho thấy rằng việc phát triển vắc-xin dựa trên việc tăng cường đáp ứng tế bào T CD8+ cùng với đáp ứng của tế bào T CD4+, đồng thời nhanh chóng thu hút các loại tế bào này vào đường thở và phổi sau khi bị nhiễm trùng có thể cải thiện khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng lao và ngăn bệnh tiến triển”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Nguồn: https://www.genengnews.com/topics/translational-medicine/infectious-diseases/delayed-adaptive-immune-response-to-tuberculosis-points-to-vaccination-strategies/#:~:text=This%20delayed%20adaptive%20immune%20response,quickly%20eliminate%20the%20pathogenic%20bacteria.

Tác giả bài viết: Phùng Thị Việt Anh - P. CNSH Y dược

Nguồn tin: www.genengnews.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây