Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://www.hcmbiotech.com.vn


Hệ thống miễn dịch: Những cỗ máy dọn dẹp của cơ thể

Danh sách các chức năng được thực hiện bởi các tế bào máu nhỏ nhất trong cơ thể, còn được gọi là các tiểu cầu, hiện đã được mở rộng thêm nhờ vào một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Ludwig-Maximilians-Universitaet Muenchen (LMU) thực hiện. Họ đã phát hiện ra rằng tại vị trí lây nhiễm...
Danh sách các chức năng được thực hiện bởi các tế bào máu nhỏ nhất trong cơ thể, còn được gọi là các tiểu cầu, hiện đã được mở rộng thêm nhờ vào một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Ludwig-Maximilians-Universitaet Muenchen (LMU) thực hiện. Họ đã phát hiện ra rằng tại vị trí lây nhiễm, các tiểu cầu di chuyển chủ động và có khả năng thu gom vi khuẩn thành các khối tập trung nhằm tạo điều kiện cho các tế bào thực bào loại bỏ chúng.
3
Hình bên trái: Quỹ đạo chuyển động của một tiểu cầu đang di chuyển, được mô tả (từ trên xuống dưới) bằng kỹ thuật phân tích hình ảnh time-lapse image. Hình bên phải: Khi di chuyển, các tiểu cầu có thể thu gom vi khuẩn thành các bó (đầu mũi tên cam). Nguồn: F. Gärtner/LMU.
 
Vai trò chủ động của các tế bào tiểu cầu trong phòng vệ miễn dịch đã chưa được đánh giá đúng mức trước đây. Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu y học tại LMU do Tiến sĩ Florian Gärtner và Giáo sư Steffen Massberg dẫn đầu đã cho thấy rằng loại tế bào này có phổ chức năng rộng hơn so với các hiểu biết trước đó. Các tế bào tiểu cầu hay còn được gọi là thrombocyte nổi tiếng với vai trò trong quá trình đông máu và làm lành vết thương. Nhưng chúng không chỉ giỏi trong việc xây vá những vết rách ở lớp tế bào nội mô bao phủ bên trong các mạch máu. “Chúng cũng có vai trò quan trọng trong việc giúp các sinh vật phòng vệ chống lại các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Chúng có khả năng di chuyển chủ động bên trong cơ thể sinh vật, tương tác với các tác nhân gây bệnh và cố định chúng”. Đây là phần tóm tắt những phát hiện chính trong nghiên cứu của tác giả Florian Gärtn vừa mới đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu Cell.
Có khoảng 750 tỷ tế bào tiểu cầu được vận chuyển thụ động trong dòng máu khắp cơ thể người trưởng thành. Các tiểu cầu gắn chuyên biệt vào những vị trí trong hệ mạch, nơi các tế bào nội mô bị tổn thương, bằng cách sử dụng các thụ thể trên bề mặt để gắn vào những protein ở lớp tế bào nội mô bên dưới (sub-endothelial cell layer). Các tế bào tiểu cầu này sau đó trải rộng ra trên chất nền ngoại bào (extracellular matrix), và tương tác với nhau để hình thành một mạng lưới hoạt động giống như băng dán để kịt kín vết thương. Hơn nữa, chúng không chỉ liên quan chặt chẽ trong việc khởi động quá trình đông máu tại các vị trí tổn thương, mà còn trong quá trình hình thành các cục máu đông (thromboses), có thể làm cản trở sự tuần hoàn của máu.
Trong một dự án được thực hiện dưới sự bảo trợ của Trung Tâm Nghiên Cứu Hợp Tác (Collaborative Research Center) SFB 914 (Sonderforschungsbereich) được tài trợ bởi Quỹ Nghiên Cứu Đức (German Research Foundation – DFG), Gärtner, Massberg và các cộng sự gần đây đã phát triển một phương pháp để theo dõi từng tế bào tiểu cầu riêng lẻ tại vị trí xảy ra phản ứng viêm trong khoảng thời gian dài. Các kết quả thu nhận được tiết lộ một chức năng mới của loại tế bào này. Gärtner cho biết: “Chúng không chỉ liên kết với tế bào vi khuẩn bằng cách gắn thụ động vào thành mạch, mà chúng còn có khả năng di chuyển chủ động”. Tại các vị trí viêm hoặc vị trí nhiễm khuẩn, các tế bào tiểu cầu bắt đầu thăm dò chủ động môi trường xung quanh và khi chúng bắt gặp các đối tượng ngoại lai, ví dụ các vi khuẩn xâm nhiễm, chúng sẽ sử dụng lực kéo được tạo ra khi chúng di chuyển để thu gom các đối tượng này thành các bó, giống như những người lao công trên đường thu gom dọn dẹp rác. Những khối tập hợp gồm tế bào tiểu cầu và vi khuẩn này sẽ tạo điều kiện cho việc hoạt hoá các bạch cầu trung tính (neutrophil) để thực bào những vi khuẩn đang bị bắt giữ.
Lý do tại sao sự đa năng của tế bào tiểu cầu đã bị bỏ sót cho đến thời điểm hiện tại có thể nằm ở thực tế rằng chúng bắt nguồn từ các tế bào tiền thân khổng lồ (giant precursor cell) được gọi là các tế bào nhân khổng lồ (megakaryocyte) nhờ quá trình phân mảnh (fragmentation), và do đó chúng bị thiếu nhân. Công trình của Gärtner và Massberg chứng minh rằng các tế bào tiểu cầu vẫn có khả năng trải qua sự thay đổi hình dạng và sự di chuyển chủ động. Phát hiện này có khả năng mở rộng vai trò của tế bào tiểu cầu trong phòng vệ miễn dịch, bởi vì nó chứng minh những gì các tế bào không nhân có thể làm. Gärtner cho biết: “Đây là một minh chứng rất thú vị rằng bộ máy khung xương tế bào chịu trách nhiệm cho sự di động của tế bào không phụ thuộc vào sự hiện diện của nhân”.
Ngoài ra, các kết quả mới này cũng làm cho tế bào tiểu cầu trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với các nhà phát triển thuốc trong tìm kiếm các biện pháp mới giúp xử lý các phản ứng viêm của cơ thể. Gärtner chỉ ra rằng: “Một cách để kiểm soát sự hoạt động của các phản ứng phòng vệ miễn dịch của cơ thể là ức chế khả năng di chuyển của các tế bào tiểu cầu”.

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2017/12/171218091719.htm
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Huy - CNSH Y dược

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây